Cuộc gọi định mệnh ngăn Ronaldo và Messi thành đồng đội

02:35 03/04/2020
Lịch sử bóng đá thế giới sẽ thế nào nếu hai siêu sao hàng đầu là Ronaldo và Messi khoác chung một màu áo?
Trong cuốn sách "Cristiano Ronaldo. The Biography", nhà báo Guillem Balague đã tiết lộ chi tiết việc Cristiano Ronaldo suýt trở thành cầu thủ của Barcelona như thế nào trong mùa hè 2009. Đội chủ sân Camp Nou khi đó tin rằng chân sút người Bồ Đào Nha có thể đá cặp với Lionel Messi.
 

Năm 2009, Ronaldo bày tỏ ý định rời Manchester United. Ảnh: Getty.

Rắc rối của Real

Rất nhiều người hâm mộ đều biết về thỏa thuận ngầm giữa Real và Ronaldo vào năm 2008. Chủ tịch của "Kền kền trắng" lúc ấy, Ramon Calderon muốn mua CR7 ngay trong mùa hè 2008, nhưng bị Manchester United từ chối.

Tháng 4/2007, Ronaldo ký hợp đồng mới có thời hạn 5 năm với MU, qua đó giữ anh ở lại đến hè năm 2012. Tuy nhiên, một năm sau chân sút này có ý định chuyển sang Real Madrid. Sir Alex Ferguson phải bay từ Manchester sang Lisbon thuyết phục Ronaldo chấp nhận ở lại sân Old Trafford thêm một mùa.

Cùng lúc đó, Calderon quyết định tiếp cận người đại diện Jorge Mendes của cầu thủ, và các bên tạo ra một giao kèo. Đó là Real sẽ phải trả cho Ronaldo 30 triệu euro tiền mặt nếu không tuân thủ hợp đồng, và ngược lại Ronaldo cũng sẽ bị phạt số tiền tương tự nếu đổi ý không chuyển đến sân Bernabeu thi đấu.

Đến tháng 1/2009, Calderon bất ngờ từ chức khỏi cương vị chủ tịch CLB Hoàng gia Tây Ban Nha, sau những cáo buộc về gian lận tài chính. Thương vụ mua Ronaldo đứng trước nguy cơ đổ bể sau một cuộc họp khẩn cấp sau đó của ban lãnh đạo Real.

Eduardo Fernandez de Blas, trưởng ban điều hành Real thừa nhận tài năng của Ronaldo trong cuộc họp, nhưng cũng chỉ trích chất lượng của các cầu thủ Tây Ban Nha trong đội hình.

Eduardo nghĩ rằng Real nên dành số tiền 94 triệu euro ở thời điểm đó, đầu tư cho các cầu thủ bản địa. Vị chủ tịch này tin rằng nếu Real chiêu mộ Ronaldo trong vài tháng tới, tài chính của CLB có thể rơi vào rủi ro.

Vicente Boluda, vị chủ tịch lâm thời của Real khi đó quyết định dừng mọi cuộc đàm phán với Ronaldo và người đại diện. Dù chỉ dự kiến lên nắm quyền Real trong 5 tháng, Boluda không muốn bị mang tiếng là phung phí tiền cho một cầu thủ Bồ Đào Nha và để lại CLB ngập trong nợ nần.

Vị luật sư đến từ Valencia sẵn sàng trả 30 triệu euro tiền phạt trong giao kèo với Mendes để từ bỏ thương vụ.

Một cuộc gặp bí mật được tổ chức giữa Mendes và Boluda, với tất cả uy tín cũng sự khảng khái của mình, siêu cò người Bồ Đào Nha đồng ý phá vỡ thỏa thuận mà không cần phía Real trả tiền phạt. Phía Real vô cùng ngạc nhiên trước điều đó. 30 triệu euro không phải là số tiền nhỏ ở thời điểm đó.

Tại sao Mendes dễ dàng đồng ý trước thỏa thuận phá vỡ giao kèo của Real? Không chỉ bởi vì Mendes là một doanh nhân có vẻ ngoài lịch lãm và luôn cố gắng làm hài lòng các bên, mà còn bởi ông đã nhận những lời đề nghị hấp dẫn khác cho Ronaldo, đến từ hai CLB hàng đầu trên thế giới.
 

Messi và Ronaldo đối đầu nhau ở bán kết Champions League mùa 2007/08. Ảnh: Getty.

Lời đề nghị từ Camp Nou

Mendes nhận hai lời đề nghị mua Ronaldo, một từ Manchester City với giá 150 triệu euro và một từ Barcelona, với giá 105 triệu euro. Cả hai CLB nói trên đều sẵn sàng trả nhiều tiền hơn Real.

Sir Alex Ferguson đã biết thỏa thuận ngầm giữa Real và Ronaldo trước đó, vì vậy ông không ưa gì CLB Hoàng gia Tây Ban Nha. Mùa hè năm 2008, ông còn tuyên bố thẳng thừng: "Sẽ không bán cho Real dù chỉ là một con virus".

Khi biết Barca đưa ra đề nghị cho Ronaldo, chiến lược gia người Scotland tỏ ý muốn để cậu học trò cưng đến sân Camp Nou. "Ronaldo và Messi đã có thể chơi cùng nhau", cựu giám đốc điều hành Barca Ariedo Braida tiết lộ.

Khi đó Pep Guardiola mới nắm đội một Barca được một mùa, và ông hoàn toàn ủng hộ ý tưởng chiêu mộ Ronaldo của chủ tịch CLB. Joan Laporta tiết lộ Barca từng suýt mua được Ronaldo vào năm 2003, khi đưa ra đề nghị chỉ kém của MU 2 triệu USD.

Một ngày thứ Năm của tháng 2/2009, Laporta ăn trưa cùng Mendes. Vị luật sư xứ Catalonia khi đó đang dẫn đầu cuộc bầu cử chủ tịch Barca với 33,8% số phiếu, vượt Agusti Benedito (23,9 %) và Josep Maria Bartomeu (17,9%). Cùng với trợ thủ của mình khi đó, Sandro Rosell, Laporta tin rằng thương vụ Ronaldo sẽ đem lại chiến thắng cho mình trong cuộc bầu cử.

Với việc Man City chỉ là một gã nhà giàu mới nổi vào thời điểm đó, chưa kể đến việc là đại kình địch của MU, CLB này gần như không được Ronaldo để mắt đến. Nếu Real từ chối thỏa thuận, Barca sẽ là điểm đến hoàn hảo.
 

CEO Real, Jose Angel Sanchez (trái) đề nghị chủ tịch Perez không để Ronaldo rơi vào tay Barca. Ảnh: Getty.

Thức tỉnh
Những động thái quan tâm từ Barca khiến Jose Angel Sanchez, trợ thủ đắc lực của Florentino Perez và sau này trở thành giám đốc điều hành (CEO) của Real thức tỉnh. "Nếu Barca mua được Ronaldo, 10 thập niên tới chúng ta sẽ không có danh hiệu nào", Sanchez tuyên bố.

Những thành viên ban điều hành khác của Real cũng đồng ý với Sanchez, khi xét đến sự phát triển vượt bậc của Messi và Pep Guardiola trong thời gian đó.

Sanchez thuyết phục Boluda không phá vỡ thỏa thuận. Tuy nhiên, chủ tịch lâm thời của Real khá cương quyết. Mọi chuyện chỉ thay đổi sau cuộc gọi trực tiếp của Perez cho Boluda.

Perez đảm bảo rằng khi ông lên làm chủ tịch (điều gần như chắc chắn nếu xét tình hình lúc đó), Boluda sẽ không bị truy cứu trách nhiệm cho tình hình kinh tế của CLB. Perez yêu cầu Boluda tiếp tục thực hiện thỏa thuận với Mendes.

Ngày 1/6/2009, sau khi trở thành ứng viên duy nhất chấp nhận chi hơn 57 triệu euro tiền bảo đảm, Perez chính thức trở thành chủ tịch Real Madrid. 10 ngày sau, CLB Hoàng gia Tây Ban Nha công bố việc chiêu mộ thành công Ronaldo với giá 94 triệu euro (80 triệu bảng), trước sự chứng kiến của hơn 80.000 cổ động viên Real.

Tầm nhìn và sự quyết liệt của các nhà lãnh đạo Real, đặc biệt là chủ tịch Perez và CEO Sanchez đã ngăn viễn cảnh Messi và Ronaldo thi đấu chung một màu áo. Còn Barca, họ chỉ có thể biết tiếc nuối vì cú điện thoại của Perez đã phát huy tác dụng.
theo Thể Thao Ngày Nay

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục