Italia vs Anh: Ai ngân nốt cuối trong bài ca chiến thắng?

17:52 09/07/2021
Mất 55 năm, Anh mới lại lọt vào trận chung kết của một giải đấu lớn. Sau 53 năm, Italia lại đứng trước cơ hội chinh phục danh hiệu vô địch châu Âu thứ hai.

Italia quyến rũ

Sau trận đấu với Tây Ban Nha ở bán kết, tờ La Gazzetta dello Sport của Italia đăng tải bài viết của tác giả Andrea Di Caro với tựa đề “Một kiệt tác của Italia. Họ chơi Tiki-taca, còn chúng ta chơi Tuca-Tuca”. Bài báo có đoạn:  “Chúng ta không phải đội mạnh nhất, nhưng chúng ta chẳng sợ ai cả. Họ chơi Tiqui-Taca, còn chúng ta chơi Tuca-Tuca. Sau cùng, chúng ta đã giành chiến thắng bằng cách của Italia”.

Tuca-tuca không chỉ là cách chơi chữ của lối chơi “Tiki-taca” lừng danh mà người Tây Ban Nha sáng tạo. Đó còn là tên một bài hát nổi tiếng của nữ danh ca  Raffaella Carra, người qua đời trước trận bán kết EURO 2020 của ĐT Italia chỉ 1 ngày, ở tuổi 78. 

Tuca-tuca là một trong những ca khúc gợi tình nhất của Raffaella Carra ở thời kỳ đỉnh cao của bà. Nó được phát hành năm 1971 và Raffaella Carra là người phụ nữ đầu tiên trình diễn trên truyền hình Italia cùng chiếc áo… hở rốn với chính bài hát này. Trong Tuca-Tuca có những đoạn nóng bỏng thể hiện khát khao yêu đương của một cô gái: “Em ước gì anh đang ở đây. Em sẽ thuyết phục anh nhảy với em một chút, làm em phát điên. Ngay cả khi anh đã luôn nói: Không! Nếu anh hôn em, anh có thể sẽ thay đổi!”.

Và nếu có ai đó chưa yêu Italia trước VCK EURO 2020, họ có thể cũng sẽ thay đổi khi chứng kiến những gì mà thầy trò Mancini đã thể hiện từ đầu giải. Cho đến trước trận bán kết với Tây Ban Nha, các cầu thủ của Azzurri đã làm những khán giả phải nhảy múa cùng họ bằng lối chơi tấn công rực lửa và lôi cuốn. Hình ảnh đó của Italia lạ lẫm, gợi cảm y như chiếc áo phá cách đầy khiêu khích mà Raffaella Carra đã mặc thời điểm cách đây 50 năm.   

Cả Anh và Italia đều đang rất tự tin hướng đến trận chung kếtCả Anh và Italia đều đang rất tự tin hướng đến trận chung kết

Từ một đội bóng không thể vượt qua vòng loại World Cup 2018, Mancini đã tái sinh Italia và đưa đội bóng lọt vào chung kết EURO 2020 đầy thuyết phục. Trước mắt họ chỉ còn một trận đấu với Anh, đối thủ mà Azzurri chưa bao giờ thua khi đối đầu ở các VCK EURO và World Cup. Cô gái trong Tuca-tuca cuối cùng đã được khiêu vũ với chàng trai trong mộng; còn Mancini và các học trò, liệu họ sẽ có cái kết viên mãn cho một hành trình thực sự đáng nhớ?

“Bóng đá về nhà” chậm mất 25 năm?

Người Italia có Tuca-tuca thì người Anh có “Football’s coming home”, bài hát được sáng tác vào tháng 5/1996 trước kỳ EURO được tổ chức tại xứ sở sương mù”. Dù là một bài hát mang tính cổ động, nó vẫn có những đoạn sâu lắng: “Chúng tôi vẫn nhớ. Ba chú sư tử trên chiếc áo đấu. Cúp vàng Jules Rimet vẫn lấp lánh. Ba mươi năm đau đớn. Không bao giờ chúng tôi ngừng ước mơ!”. Người Anh tin rằng EURO 1996 trên sân nhà là cơ hội tuyệt vời để chấm dứt 30 năm trắng tay kể từ chức vô địch World Cup 1966. Nhưng cú đá hỏng luân lưu của Gareth Southgate ở trận bán kết với Đức đã khiến “bóng đá chưa thể về nhà”.

25 năm sau, lại là Gareth Southgate, nhưng trên cương vị HLV đã dẫn dắt Anh vào trận chung kết giải đấu lớn thứ 2 trong lịch sử. Không giống cuộc hồi sinh Italia của Mancini, thành công của Southgate được tiếp nối từ chiến tích lọt vào bán kết World Cup 2018 của “Tam sư”. Dưới sự dẫn dắt của vị HLV sinh năm 1970, ĐT Anh không còn thể hiện một bộ mặt hào nhoáng nhưng mong manh như ở các giải đấu lớn trước đây. “Tam sư” đã tiến đến trận đấu cuối cùng bằng sự lì lợm và tính toán chi tiết trước từng đối thủ. Họ đã vượt qua nỗi ám ảnh Đức ở trận đấu đầu tiên của vòng knock-out, một cột mốc đánh dấu cho sự trưởng thành vượt bậc về mặt tâm lý vốn luôn được xem là rào cản ngăn họ bước lên đỉnh cao. Điều này thêm một lần được thể hiện ở trận bán kết với Đan Mạch khi Anh bị vượt lên dẫn trước. 

Bây giờ, “đường về nhà” của Southgate và các học trò chỉ còn một đối thủ. Các CĐV Anh đang cảm thấy chưa bao giờ ngôi vô địch lại gần họ như thế. Tất nhiên, ngưỡng cửa lên thiên đường sẽ dẫn thẳng xuống địa ngục với những kẻ trượt chân. 

“Football’s coming Home” hay “Football’s coming to Rome”? Chiếc cúp chỉ có một mà thôi!  

Chung kết, ác mộng của Italia?

Khác với người Anh mất 55 năm giữa hai trận chung kết, tính từ chức vô địch EURO 1968, Italia đã lọt vào chung kết giải đấu lớn thêm 6 lần nữa. Họ giành thêm 2 chức vô địch World Cup 1982 và 2006, nhưng đã thua ở chung kết World Cup 1970, 1994 và các EURO 2000, 2012.

theo Thể Thao Ngày Nay

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục