Luật bóng đá vận dụng thế nào ở 3 tình huống tranh cãi trận Anh vs Đan Mạch?

17:43 08/07/2021
Anh đã vào chung kết EURO 2020 sau chiến thắng trước Đan Mạch tại bán kết, song vẫn có rất nhiều tranh cãi cần có lời giải thỏa đáng xoay quanh cuộc đọ sức này.
TRANH CÃI THỨ NHẤT
CÓ 2 QUẢ BÓNG TRÊN SÂN

Trước khi đột phá vào vòng cấm Đan Mạch dẫn tới quả penalty cho Anh trong hiệp phụ, Raheem Sterling đã vượt qua Joakim Maehle bên cánh phải. Tuy nhiên, ngôi sao thuộc biên chế Man City suýt chút nữa đã rê bóng vào quả bóng Adidas Uniforia Finale màu bạc thứ hai có mặt trên sân thời điểm ấy.

Do quả bóng thứ 2 ở khoảng cách tương đối gần với quả bóng mà Sterling đã dốc xuống, các cầu thủ Đan Mạch có thể lý luận rằng họ bị phân tâm. Sterling sau đó xâm nhập vòng cấm và xảy ra tranh chấp với Maehle trước khi trọng tài Danny Makkelie cho Anh hưởng 11 mét. Điều đáng nói là ông Makkelie lẫn trọng tài biên không cho dừng trận đấu vì quả bóng thứ 2 xuất hiện trên sân.

Có trái bóng thứ 2 xuất hiện ở tình huống Sterling thoát xuống vòng cấmCó trái bóng thứ 2 xuất hiện ở tình huống Sterling thoát xuống vòng cấm

Theo điều 5.3 của luật trận đấu do Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) ban hành nêu rõ:
"(Nếu) có thêm một quả bóng, vật thể hoặc động vật khác xuất hiện trên sân trong trận đấu, trọng tài phải:

Dừng trận đấu (và cho thi đấu trở lại bằng cách thả bóng) chỉ khi bóng hoặc vật thể lạ cản trở tình huống đang diễn ra, bóng đi vào cầu môn hay cản trở cầu thủ phòng ngự. Bàn thắng sẽ được công nhận nếu bóng đi vào khung thành (ngay cả khi bóng va chạm với vật thể lạ) và nếu sự can thiệp của vật thể ấy không phải do đội tấn công gây ra.

Cho phép trận đấu tiếp tục nếu bóng/vật thể lạ không ảnh hưởng gì tới tình huống và đưa nó ra ngoài trong thời gian sớm nhất có thể".

Như vậy, nếu ông Makkelie và VAR xác định rằng quả bóng thứ hai xuất hiện trên sân không trực tiếp "can thiệp vào tình huống của Sterling", thì trận đấu không cần phải tạm dừng để đưa trái bóng ra khỏi sân.

TRANH CÃI THỨ HAI
HAI QUYẾT ĐỊNH THỔI PENALTY

Các cầu thủ Đan Mạch tỏ ra bất mãn với việc Sterling ngã quá dễ dàng và trọng tài Makkelie đã quyết định cho Anh hưởng 11 mét. 

Sterling vượt qua Maehle trong vòng cấm, khiến hậu vệ mang áo số 5 của Đan Mạch phải lao về phía trước bằng việc chuồi chân phải lên. Chân của Maehle dường như chạm vào ống chân của Sterling, đủ để khiến tiền đạo này ngay lập tức ngã rất đẹp.

Quả penalty gây tranh cãi của Anh trong hiệp phụQuả penalty gây tranh cãi của Anh trong hiệp phụ

Khi được hỏi về quả penalty, Sterling phát biểu sau trận: "Tôi đã chạy vào vòng cấm và anh ấy (Maehle) đã đưa chân ra và chạm vào chân tôi. Vì thế đấy là một quả phạt đền rõ ràng". Dù vậy, đông đảo các chuyên gia trên thế giới đều nhận định đó không phải là một quả phạt đền.

Cựu tuyển thủ Đức, Didi Hamann nói: "Đó là một pha ăn vạ trắng trợn. Tôi nghĩ đó là một quyết định đáng hổ thẹn". Peter Schmeichel, cha của thủ thành Kasper Schmeichel phía Đan Mạch, thì mô tả quyết định thổi phạt đền của Makkelie là "một sai lầm thực sự lớn. Điều này sẽ còn được tranh luận trong một thời gian dài" trên BeIN Sports.

Tuy nhiên, một khi trọng tài Makkelie đã đưa ra quyết định cho Anh hưởng 11 mét, VAR khó có thể đảo ngược tình hình. Lý do bởi VAR chỉ được sử dụng để thay đổi quyết định nếu "một lỗi hiển nhiên và rõ ràng" được xác định. 

TRANH CÃI THỨ BA
SCHMEICHEL BỊ CHIẾU LASER VÀO MẶT

Trong vài giây trước khi Kane bước lên thực hiện quả đá 11 mét ở hiệp phụ, Schmeichel đã bị chiếu laser màu xanh lá cây vào mặt. Không rõ Schmeichel có nhận ra bút laser hay bị ảnh hưởng bởi nó hay không, nhưng thủ thành của Đan Mạch đã cản phá thành công cú đá của Kane. Anh chỉ chịu khuất phục từ nỗ lực đá bồi của tiền đạo mang áo số 9.

Đây không phải là lần đầu tiên bút laser được phát hiện trong trận đấu, và theo The Athletic, các quan chức của UEFA đã biết các cầu thủ Đan Mạch bị trở thành mục tiêu trước khi bắt đầu 30 phút hiệp phụ. UEFA hiện sẽ chờ báo cáo sau trận đấu của ông Makkelie trước khi quyết định có đưa ra hành động hay không. Nếu có vấn đề, cơ quan quyền lực nhất bóng đá châu Âu sẽ vào cuộc.

Thủ thành Schmeichel bị chiếu laser vào mặt Thủ thành Schmeichel bị chiếu laser vào mặt

Trước đây, UEFA đã trừng phạt các CLB vì người hâm mộ chiếu bút laser vào các cầu thủ. Lyon đã bị phạt 2.520 bảng vào năm 2008 sau khi Cristiano Ronaldo liên tục bị nhắm đến trong trận đấu giữa Man United và Lyon ở Champions League.

Trong khi đó, vào năm 2011, cựu HLV tuyển Anh, Fabio Capello đã kêu gọi trừng phạt các cổ động viên tại sân Thiên niên kỷ ở Cardiff, do một số cầu thủ của ông đã bị chiếu bút laser trong chiến thắng 2-0 trước xứ Wales.

Việc chiếu laser đương nhiên được coi là hành vi bị cấm tại EURO 2020 và các liên đoàn chủ nhà có thể bị phạt vì những sự cố liên quan đến hành động này.

theo Thể Thao Ngày Nay

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục