Ủy ban Olympic Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

23:37 20/12/2016
Tối 20/12, tại Hà Nội, Ủy ban Olympic Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (20/12/1976 - 20/12/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tham dự Lễ kỷ niện 40 năm ngày thành lập Ủy ban Olympic Việt Nam có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam – Ủy viên trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đồng chí Hoàng Tuấn Anh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao; Lãnh đạo Uỷ ban Olympic Việt Nam qua các thời kỳ cùng toàn thể các đồng chí cán bộ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Uỷ ban Olympic Việt Nam.
 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Ủy ban Olympic Việt Nam
 
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại truyền thống yêu chuộng hòa bình và tinh thần thượng võ của dân tộc. Với quan niệm sức khỏe là vốn quý, từ xa xưa dân gian đã có rất nhiều trò chơi đậm đà bản sắc văn hóa, đồng thời giúp rèn luyện thân thể và tinh thần.
Đó còn là tinh thần trong “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết đất nước thì mỗi người dân và cả dân tộc không thể dốt, không thể yếu. Thể dục, thể thao không chỉ là rèn luyện sức vóc mà còn tôi luyện ý chí, đề cao tinh thần thượng võ và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận những thành tích và đóng góp to lớn của Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến vai trò quan trọng, trách nhiệm nặng nề của Ủy ban cùng với Bộ VHTT&DL, Tổng cục Thể dục-Thể thao và các cấp chính quyền, đoàn thể nhằm thực hiện mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ.
Theo Phó Thủ tướng, đất nước đã có bước phát triển dài về kinh tế-xã hội, con người, thể dục thể thao... nhưng khoảng cách với thế giới và nhiều mặt so với các nước trong khu vực vẫn còn lớn và nếu không nỗ lực cao hơn Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu.
Thời gian qua, các chương trình, đề án nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao tầm vóc người Việt Nam... đã được xây dựng, triển khai. Kết quả thực hiện cũng như thành tích thi đấu thể thao quốc tế có bước tiến bộ tích cực. Nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra và còn khoảng cách khá xa so với kỳ vọng của xã hội.


Đồng chí Vũ Đức Đam gắn Huân chương lao động hạng III lên lá cờ truyền thống của Uỷ ban Olympic Việt Nam 
 
“Chúng ta cần thực sự chú trọng dành nguồn lực thích đáng cho các chương trình, đề án phát triển sức khỏe, tầm vóc người Việt Nam trước hết là đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ mang thai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, công tác giáo dục thể thao trong nhà trường phải được tăng cường và phát triển mạnh mẽ các phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Olympic trẻ em, Chạy Olympic…
Công tác đào tạo vận động viên và tổ chức các giải thi đấu cần tiệm cận với xu hướng và tiêu chuẩn quốc tế; chú trọng phát triển các môn thể thao Olympic và ASIAD theo hướng tập trung sâu và chuyên nghiệp…
Phó Thủ tướng lưu ý, trong thể thao phong trào cũng như thể thao thành tích cao đều cần kết hợp nhuần nhuyễn, sinh động giữa thể thao với văn hóa, đạo đức; đề cao tinh thần cao thượng, trung thực, hữu nghị; đấu tranh với tiêu cực, bạo lực...
Công tác xã hội hóa đầu tư cho hoạt động thể dục thể thao cũng cần được đẩy mạnh với cơ chế thuận lợi, thực chất và nhiều việc khác.
“Với 40 năm phát triển, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần không chỉ phát triển thể dục thể thao nước nhà mà còn phát huy truyền thống văn hiến, thượng võ rất đáng tự hào của dân tộc; khơi dậy tinh thần trung thực, công bằng; xây dựng lối sống lành mạnh, môi trường văn hóa trong toàn xã hội”, Phó Thủ tướng tin tưởng và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Olympic Việt Nam tiếp tục phát huy ngày càng cao vai trò của mình; để thể dục, thể thao nước nhà tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn.
 

Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
 
Ngày 20/12/1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 500 cho phép thành lập Ủy ban Olympic Việt Nam. Tháng 12/1979, Olympic Việt Nam đã trình đơn xin gia nhập Phong trào Olympic Quốc tế. Ngày 28/4/1980, Olympic Quốc tế đã có quyết định chính thức công nhận Olympic Việt Nam là thành viên của phong trào Olympic Quốc tế.
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Olympic Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao, tuyên truyền, giáo dục lý tưởng Olympic và quan hệ quốc tế. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của Olympic Việt Nam đối với ngành thể thao nước nhà và phong trào Olympic Quốc tế.
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của thể thao thành tích cao với thành tích đoạt huy chương vàng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic, của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công tại Paralympic ở Ryo 2016 và thành công trong công tác đăng cai tổ chức Đại hội thể thao quốc tế lớn nhất trong châu lục và khu vực như SEA Games 2013, AIG 2009, ABG 2016,... cùng với những đóng góp vào sự phát triển của thể thao Việt Nam, OlympicViệt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và được Olympic Quốc tế đánh giá là Olympic quốc gia hoạt động năng động nhất của phong trào Olympic ở các nước đang phát triển. Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia đã chọn Việt Nam là một trong 9 Ủy ban Olympic quốc gia trên thế giới được trao tặng giải thưởng “Olympic quốc gia có thành tích đột phá năm 2016.
 
Sau khi được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận, Việt Nam đã tham dự kỳ Thế vận hội Olympic đầu tiên tại Maxtcova năm 1980, sau khi nước nhà thống nhất. Đoàn TTVN bao gồm 70 người thi đấu 4 môn gồm: Bơi, Vật tự do, Điền kinh và Bắn súng. Sự có mặt của TTVN đã góp phần vào sự thành công của Đại hội, qua đó mở ra nhận thức mới về hoạt động trong Phong trào Olympic quốc tế.
Năm 2000, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Sydney 2000 tại Australia, gồm 7 VĐV tham dự 4 môn. Kết quả, giành được 1 HCB của nữ võ sỹ Taekwondo Trần Hiếu Ngân. Đây là tấm huy chương đầu tiên của Việt Nam tại Thế vận hội, một thành tích có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành của Thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic.
Năm 2008, Đoàn Thể thao Việt Nam gồm 13 VĐV thi đấu 8 môn tại Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc,. Nối tiếp thành công của Võ sĩ Trần Hiếu Ngân, Lực sĩ Cử tạ Hoàng Anh Tuấn tiếp tục là VĐV thứ 2 mang về cho tổ quốc tấm HCB Olympic. Những thành tích rất đáng tự hào này là bước tạo đà để Thể thao Việt Nam khát khao, nỗ lực chinh phục tấm huy chương cao hơn ở những kỳ Olympic tiếp theo.
Năm 2016, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio tại Brazil, bao gồm 23 VĐV tranh tài 10 môn thể thao. Lần đầu tiên trong lịch sử, TTVN giành được 1HCV, 1HCB Olympic môn Bắn súng. Xạ Thủ Hoàng Xuân Vinh, người đã thi đấu rất xuất sắc để mang về những thành công vô cùng tự hào mà người dân Việt Nam đã chờ đợi từ rất nhiều kỳ Olympic đã qua. Đây cũng là 1 năm vàng khi Thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng thi đấu rất xuất sắc giành 1 HCV,1 HCB và 2 HCĐ Paralympic. Đó chính là sự kết tinh những nỗ lực của các VĐV trong suốt hàng chục năm qua, mang đến niềm tự hào và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.



 
 
theo Thể Thao Ngày Nay

Tin liên quan